HUYẾT SỬ VÕ LÂM
Đi Tìm Bí Mật
Kim Yến Tử gật đầu :
- Đúng! Hai mươi tuổi rồi đại thơ!
Đường Kỳ tiếp :
- Một nữ nhân hai mươi tuổi đầu chẳng khác nào một quả pháo đang châm ngòi! Nguy! Nguy mọi mặt! Nguy cho ngươi! Nguy luôn cho mọi người!
Kim Yến Tử thoáng đỏ mặt :
- Nhị thơ nên lo cho mình trước đi, khi nào tiểu muội tới tuổi của nhị thơ sẽ hay!
Đường Kỳ rót một chén rượu, uống cạn, thở dài :
- Như ngu thơ còn cái chi nữa mà luận bàn? Qua hết rồi! Tất cả đều qua theo thời xuân mộng! Giờ đây chỉ là một vật chờ đúng dịp là vất bỏ ngoài thời gian! Chứ Yến muội thì khác! Yến muội phải có chồng! Đừng bao giờ noi gương theo ngu thơ, khi đến tuổi của ngu thơ thì phải khóc cho tịch mịch đấy! Không có cảnh tịch mịch nào khó chịu bằng cảnh tịch mịch của một cô gái già!
Kim Yến Tử bất giác sa sầm gương mặt, tuy nhiên, nàng lấy lại bình thường, gượng điểm một nụ cười :
- Hôm nay nhị thơ lại dốc bầu tâm sự đây! Nghe sao buồn quá nhị thơ ạ!
Đường Kỳ lại nâng chén rượu lên :
- Trước mặt các ngươi, Đường Kỳ này còn dấu diếm điều gì? Bởi, có phải tôi thích ở vậy suốt đời đâu! Tôi vẫn muốn là muốn... trước kia, chứ bây giờ,thì tìm... tìm đâu có một người ưng thuận một gái già? Người mình muốn, người ta lại chẳng muốn mình! Kẻ muốn mình, mình lại chẳng muốn người ta! Cao không với tới, thấp chẳng màng nhìn...
Nàng uống cạn chén nữa, rượu rót vào yết hầu nghe như tức tưởi nghẹn ngào, rượu cuốn vào lòng, dòng lệ sắp trào ra...
Lý Bội Linh cười lớn :
- Nhị cô nói đúng đấy! Đã đến lúc Yến muội lấy chồng rồi đó! Chẳng hay, Yến muội đã có ý trung nhân chưa? Chừng như Thần Đao công tử...
Kim Yến Tử kêu lên :
- Các vị đừng nhắc đến hắn! Nghe ai nhắc đến hắn là tôi lợm giọng ngay! Cái hứng rượu đang lên đã tan biến rồi đây!
Lý Bội Linh trố mắt :
- Đã chán nhau rồi chăng? Hoặc giả mắt xanh đã để ý đến một kỳ nam tử nào khác?
Kim Yến Tử ửng hồng đôi má, cười duyên :
- Làm gì có việc đó, đại tẩu!
Đường Kỳ cao giọng :
- Ngu thơ biết! Yến muội đã chọn được người yêu rồi! Về cái việc đó, Yến muội đừng mong dấu ai được lâu, thà cứ nói thẳng ra cho mỗi người nghe một chút cho có vẻ thành thật hơn! Nói đi Yến muội! Nào, Yến muội yêu ai? Chàng thanh niên nào có diễm phúc được mắt xanh để ý đến? Dấu mãi thì có chết với ngu thơ đấy!
Nàng đưa tay bẹo má Kim Yến Tử.
Kim Yến Tử vừa cười ha hả, vừa đứng nhanh lên, chạy ra phía sau lưng Đường Lâm hỏi :
- Tứ muội cũng lớn rồi, sao các vị chẳng hỏi tứ muội xem, con tim đó đã in bóng chàng nam mỹ tử nào mà cứ hỏi tôi mãi thế?
Đường Lâm đứng vụt lên, lạnh thốt :
- Tôi chẳng trêu các người, các người hãy để cho tôi yên!
Buông xong câu nói, nàng thoát đi liền.
Kim Yến Tử giật mình :
- Tứ muội sao thế? Dễ giận dỗi vậy à?
Đường Kỳ khoát tay :
- Mặc nó! Mấy lúc sau này nó cứ như vậy luôn, chẳng ai hiểu nó có tâm sự gì!
Lý Bội Linh cười dịu :
- Nữ nhân nào đến tuổi đó cũng thế cả! Giữa cơn biến đổi từ giai đoạn ấu tri qua giai đoạn trưởng thành, nàng nào lại chẳng có ít nhiều tâm sự? Để tôi bước theo tứ cô xem có gì đến đỗi chăng?
Ngân Hoa Nương chớp mắt, cũng đứng lên, điểm một nụ cười thốt :
- Đại tẩu chờ chút! Cho tôi cùng đi với!
Lý Bội Linh dừng lại, suy nghĩ một chút :
- Thôi! Ngu thơ khỏi đi! Để một mình hiền muội đi thì tiện hơn! Đồng lứa tuổi với nhau, dễ thông cảm nhau, nhưng nói chuyện một chút rồi đưa nhau trở lại đây nhé! Ngu thơ sắp dọn một món ăn hạp khẩu lắm, đừng bắt mọi người chờ lâu, nguội lạnh mất!
X Đường Lâm ra đến bên ngoài, dừng chân dưới tàng cây quế, cây đang dầy hoa, hương hoa lan rộng trong không gian, bát ngát.
Thấy Đường Lâm rồi, Ngân Hoa Nương không vội bước.
Nhìn Đường Lâm đứng im lìm dưới tàng cây, như mơ màng đến tận phương trời nào, Ngân Hoa Nương nghe lòng mình man mác mông lung :
- Nhân sanh! Kiếp nhân anh còn gì thích thú? Vầng trăng kia sáng để làm gì?
Hoa quế kia thơm để làm gì? Trăng càng sáng, hoa càng thơm, trăng và hoa càng tăng gia cái cảnh tịch mịch của cõi lòng cô đơn trống trải lạnh lùng!
Nàng biết rõ, Đường Lâm đang nặng lòng suy tư, không thích nói năng, cho nên nàng vờ tự thốt nhưng cũng cố ý cho Đường Lâm nghe, hòng thử Đường Lâm.
Ngân Hoa Nương nói đúng tâm lý của Đường Lâm, Đường Lâm đang u sầu về số phận, ngậm ngùi nghĩ đến cảnh tịch mịch của những ngày qua và có thể là mãi mãi...
Bất giác nàng quay đầu lại, nhìn sững Ngân Hoa Nương một lúc lâu cất giọng u buồn thốt :
- Thơ thơ mà cũng thở than nữa sao? Người như thơ thơ, muốn đi đâu là đi, muốn ở đâu là ở, muốn làm gì là làm, thong dong tự tại, làm gì có tịch mịch đến đỗi phải oán hờn? Cái tịch mịch chỉ để dành cho những con chim lồng cá chậu, những con chim con cá đó mới thấm thía cái tịch mịch đến tận cùng!
Ngân Hoa Nương thở dài :
- Hiền muội tuổi còn nhỏ, làm sao biết hết được tịch mịch là như thế nào mà luận về tịch mịch? Có những kẻ thường ngày cười cười, nói nói, quây quần tụ hội cùng bạn bè, nhưng trong tâm lại thấy mình quá đơn độc, cái nhộn nhàng bên ngoài không xoa dịu được cái tịch mịch bên trong! Có những kẻ suốt đời một bóng một hình, bạn cùng cây cỏ, gió trăng, sông núi, nhìn mây bay, nghe chim hót, nhìn vào ai lại chẳng cho những kẻ đó quá tịch mịch? Nhưng không, những kẻ đó lại cảm thấy cái hứng rạt rào! Còn như ngồi mơ màng, đừng bâng khuâng, thần hồn dật dờ cũng chưa hẳn là tịch mịch, bởi chỉ nhớ đến một bóng hình xa xôi nào đó, biết rằng bóng hình kia vẫn tưởng vọng đến mình thì sao gọi là tịch mịch? Con người thực sự tịch mịch là chẳng có kỷ niệm, chẳng có dĩ vãng, chẳng tin ở hiện tại, chẳng mong vọng đến tương lai. Không rõ hiền muội có đồng quan niệm với ngu thơ chăng?
Đường Lâm trầm ngâm một lúc lâu rồi gật đầu :
- Phải! Chỉ có những người biết qua tư vị của tịch mịch mới bình luận xác đáng như vậy! Nhưng...khi mình tưởng đến một người nơi phương xa, làm thế nào biết được người đó cũng tưởng nhớ đến mình?
Ngân Hoa Nương lắc đầu :
- Ngu thơ chịu thôi! Có ai hiểu được tâm tư của người ngoại vạn dặm? Cho nên, con người phải khổ qua mỗi độ nhớ nhung, niềm hoài nghi nan giải tỏa...
Đường Lâm cúi đầu buồn rười rượi :
- Phải! Đó là niềm thống khổ lớn lao nhất của con người!
Ngân Hoa Nương tiếp :
- Cách nay đã lâu, lâu lắm, ngu thơ có yêu một chàng trai, hắn tên Trịnh Tam Lang, ngu thơ chỉ thấy hắn có một lần rồi từ đó không làm sao quên được hắn, hình bóng của hắn khắc sâu nơi tâm khảm ngu thơ, ngu thơ mang chứng tương tư, chứng ngày càng nặng! Nhưng, hắn... nào hắn có biết đâu? Có thể là hắn chẳng nhìn qua ngu thơ một lần nào, có thể là hắn không thể biết tên họ của ngu thơ...
Nàng hiểu rõ, muốn cho một thiếu nữ thổ lộ tâm tình thì trước tiên nàng phải nói rõ tâm tình của mình cho thiếu nữ nghe. Thiếu nữ nghe xong sẽ tự cởi mở cõi lòng mà tuôn ra những gì u uẩn chứa chất lâu ngày.
Nàng có tâm sự thực tình hay không tâm sự, điều đó có can hệ gì? Cứ bịa ra một mẩu chuyện, đặt cho nhân vật tưởng tượng đó một cái tên, là chuyện bịa thành chuyện thật ngay.
Nhưng phải làm sao cho đối tượng hiểu là chuyện đó đã qua rồi, chuyện đó đã chìm trong quên lãng, bởi chỉ có những chuyện đã qua mới cung cấp cho mình những kinh nghiệm, mình thuật lại với đầy đủ những kinh nghiệm, đối tượng mới trọn đặt niềm tin nơi mình mà tiết lộ dần dần những uẩn tình u uất.
Quả nhiên, Đường Lâm xúc động mạnh, thân hình rung rung từng cơn, lâu lắm nàng cất tiếng :
- Chắc thơ thơ đã đi nhiều?
Ngân Hoa Nương gật đầu :
- Đủ mọi giới, đủ mọi lứa tuổi, thân có, sơ có, thành thật có, giả dối có!
Đường Lâm cúi đầu, chừng như nàng đang dàn xếp một sự mâu thuẫn bên trong lòng, cái mâu thuẫn giữa nên và không nên tiếp tục câu chuyện.
Lâu lắm, nàng ngẩng đầu lên, hỏi :
- Thơ thơ có biết một người tên...
Ngân Hoa Nương điềm nhiên :
- Tên chi hiền muội?
Đường Lâm đáp :
- Du Bội Ngọc!
Du Bội Ngọc!
Ngân Hoa Nương tưởng tai mình nghe tiếng sét, chân như dẫm lên đống than hồng, nếu không là tay già dặn thì nàng đã nhảy dựng lên rồi, cố lấy vẻ thản nhiên, hỏi :
- Hiền muội không hề rời trang viện, tại sao lại biết Du Bội Ngọc?
Đường Lâm đáp :
- Cách đây mấy hôm, hắn có đến Đường gia trang!
Ngân Hoa Nương lần này mất bình tĩnh kêu lên :
- Hắn đến đây cách mấy hôm?
Đường Lâm cắm mạnh vào môi :
- Hắn đến đây tìm gia phụ! Hôm đó, đại tẩu và đại thơ xuất ngoại tiễn đại ca, chỉ có mỗi một mình tôi ở nhà. Hắn cùng gia phụ đàm đạo rất lâu. Bỗng, gia phụ có việc phải ra đi gấp, chừng như đi tìm hộ cho hắn một người. Gia phị bảo tôi vào tiếp hắn trong khi người vắng mặt...
Dưới ánh trăng, gương mặt nàng ửng đỏ, đôi mắt nàng chớp sáng ngời.
Ngân Hoa Nương bình tĩnh chờ nghe, không hỏi chặn.
Nàng dừng lại một lúc lâu rồi tiếp :
- Bình sanh, tôi không thích đối thoại với người lạ, nhưng không rõ tại sao, tôi lại thích nghe hắn nói, thích nhìn hắn cười, thích mọi cử động nơi hắn! Hắn nói gì tôi cũng đều biểu lộ đồng tình với hắn cả, chừng như hắn bị thương nặng song tuyệt nhiên hắn chẳng hề để lộ vẻ thống khổ. Hắn không muốn tôi phải khó chịu về hắn.
Hắn tế nhị quá! Hắn biết tưởng nghĩ đến người trước khi nghĩ đến hắn!
Nàng nói, mê men mà nói như đang nằm mộng.
Ngân Hoa Nương muốn bình tĩnh lại nhưng không dằn được nóng nảy vội hỏi :
- Rồi sau đó?
Đường Lâm tiếp :
- Gia phụ trở về, tôi phải lui ra, tôi cứ nghĩ là ngày kế đó tôi còn gắp lại hắn, ngờ đâu... đến nửa đêm, hắn ra đi. Gia phụ chẳng chịu nói rõ là hắn đi dâu, chỉ cho biết là hắn cho nhờ gửi lời cảm tạ tôi đã tiếp chuyện với hắn trong một lúc. Hắn đỡ cô quạnh ngồi chờ gia phụ trở lại. Tôi chỉ sợ... từ nay không được gặp hắn nữa...
Nàng cúi đầu, để mặc dòng lệ thảm đang tuôn trào.
Ngân Hoa Nương cau mày :
- Hiền muội mới gặp hắn có một lần mà đã quý trọng hắn đến thế kia à?
Đường Lâm hỏi lại :
- Chứ thơ thơ chẳng phải chỉ thấy Trịnh Ngọc Lang có một lần thôi sao?
Ngân Hoa Nương đảo mắt nhìn quanh một vòng, đoạn hỏi :
- Giả như hiền muội không còn gặp lại hắn nữa thì sao?
Đường Lâm thở dài :
- Còn biết sao mà nói! Tôi chỉ sợ từ nay tôi chẳng còn biết khoái lạc là gì nữa!
Ngân Hoa Nương nhìn sững nàng, trầm giọng :
- Giả như có người tìm hắn giúp hiền muội?
Đường Lâm chụp tay Ngân Hoa Nương run run giọng :
- Nếu có người làm hộ tôi cái việc đó thì tôi có thể làm bất cứ việc gì để báo đáp cái ơn trọng! Bình sanh, tôi chẳng hề xốn xang bứt rứt, song đối việc này... thú thật với thơ thơ, khổ sở quá! Có thể tôi sắp điên mất, thơ thơ ạ!
Ngân Hoa Nương thở dài :
- Cái tâm của thiếu nữ, tâm nào cũng như nhau! Thiếu nữ nào chẳng một đau khổ?
Đường Lâm càng bóp mạnh tay hơn :
- Thơ thơ có thể...
Ngân Hoa Nương rút tay lại, không đáp vội, quay người nhìn về một phía, đoạn hỏi :
- Ngu thơ có một việc, chẳng hay hiền muội giúp được chăng?
Đường Lâm giục :
- Thơ thơ cứ nói!
Ngân Hoa Nương tiếp :
- Từ lúc nhỏ, ngu thơ có nghe, biết được họ Đường có phương thức luyện độc trong ám khí vô cùng bí mật thần diệu, ngu thơ muốn nhìn qua cho biết...
Đường Lâm biến sắc :
- Nơi đó có chi lý thú đâu mà đến xem?
Ngân Hoa Nương tặc lưỡi :
- Nếu hiền muội không giúp được thì đành vậy, bây giờ ngu thơ trở vào tiếp tục cuộc rượu với các vị ấy. Có lẽ họ trông đợi đấy!
Đường Lâm nắm tay nàng giữ lại :
- Giả như tôi giúp thơ thơ thì thơ thơ sẽ...
Ngân Hoa Nương mỉm cười :
- Tự nhiên ngu thơ sẽ giúp lại!
Đường Lâm suy nghĩ một chút, cắn răng gật đầu :
- Được rồi! Tôi đưa thơ thơ đến đó, thành công hay không, tôi không quả quyết được, có điều, tôi chỉ cần thơ thơ hứa là không động bất cứ vật gì ở đấy!
Ngân Hoa Nương vô cùng hân hoan :
- Ngu thơ chỉ lấy mắt nhìn cũng đủ thích thú rồi, còn đến vật này vật nọ làm chi?
Đường Lâm gật đầu :
- Vậy là được! Chúng ta đi ngay! Chẳng cần trở vào tiệc rượu làm gì nữa!
Ngân Hoa Nương mỉm cười :
- Đứng gấp! Phải trở vào, nếu không các vị ấy nghi ngờ! Ngu thơ biết! Trước cửa động bí mật, có ngôi nhà nhỏ, chúng ta sẽ gặp nhau tại đó. Phần ngu thơ, khi nào các vị ấy say khướt, ngu thơ sẽ đi, còn hiền muội đi trước đi, đợi nhau tại ngôi nhà đó!
Đường Lâm gật đầu, đôi mắt nhòa lệ, nàng lẩm nhẩm :
- Du Bội Ngọc! Du Bội Ngọc! Ta vì mi, mạo hiểm làm việc ấy! Ta vì ai, mi có biết không?...
X Canh ba đêm đó, Ngân Hoa Nương đến ngôi tiểu đình trước động luyện thuốc độc của họ Đường.
Đường Lâm chực sẵn, nàng nép mình sau một chiếc cột trong bóng tối, vừa thấy Ngân Hoa Nương, nàng đưa tay ngoắt.
Từ tiểu đình đến động khoảng khá xa, họ biết vậy nhưng không thể đi gấp cho mau đến nơi, bởi họ phải dè dặt từng bước, phòng mọi bất trắc.
Trước sơn động, có đại hán vận y phục đen qua lại canh phòng. Trong động có ánh đèn le lói.
Không thấy một bóng người nào khác.
Tiếng động duy nhất nơi đây là tiếng suối chảy từ xa xa vọng lại.
Ngân Hoa Nương biết rõ phía sau núi có một ngọn núi ấm, sở dĩ độc dược của Đường gia độc đáo, không ai phỏng chế được là nhờ nước suối đó có những chất kỳ lạ.
Còn như có cái gì trong cách luyện độc dược khác hơn thủy chất thì trên giang hồ chẳng có ai biết cả.
Ngân Hoa Nương thấp giọng :
- Chúng ta vào sơn động được chưa?
Mặt biến sắc trắng nhợt, Đường Lâm rung rung giọng :
- Chưa được! Người đang canh chừng trước sơn động hiện giờ là tứ sư huynh Đường Thủ Phương, tánh tình nghiêm khắc, nhất định chẳng khi nào cho chúng ta vào đâu!
Ngân Hoa Nương trầm gương mặt :
- Nếu vậy, chúng ta trở về!
Đường Lâm hấp tấp tiếp :
- Đợi một chút đi thơ thơ! Hết canh ba có thay đổi phiên canh, nếu gặp đúng phiên của đại sư huynh hay thất sư ca thì mình có hy vọng! Hai người đó rất dễ tánh!
Ngân Hoa Nương cũng mỉm cười :
- Cũng được!
Cả hai nấp tại chỗ chờ đợi.
Đường Lâm bồn chồn vô cùng, cố dằn nóng nảy, song không dằn được lâu, hỏi :
- Thơ thơ... làm sao quen Du công tử?
Ngân Hoa Nương mỉm cười :
- Hiền muội yên trí! Thơ thơ và hắn vốn là đôi bằng hữu thông thường! Ngu thơ đã có người yêu rồi, chẳng khi nào tranh giành với hiền muội đâu!
Đường Lâm thẹn đỏ mặt, cúi đầu im lặng.
Đợi một lúc lâu, đến lượt Ngân Hoa Nương bồn chồn hỏi :
- Hiền muội nói hắn bị thương?
Đường Lâm thở dài :
- Phải! Nơi mặt hắn còn rõ vết dao, hắn bảo, hắn bị một nữ nhân vô cùng ác độc hãm hại! Chính nữ nhân đó rạch mặt hắn!
Ngân Hoa Nương cắn răng, cố níu cơn khích động, điểm một nụ cười :
- Nếu không tàn độc, nữ nhân đó làm gì gây tổn thương cho hắn được!
Đường Lâm cũng cười :
- Nữ nhân nào đó tưởng rằng cho hắn mang sẹo là hắn phải xấu trai, đúng là lầm! Lầm to!
Ngân Hoa Nương chớp mắt, Đường Lâm tiếp :
- Vết sẹo đó làm cho hắn tỏ rõ cái khí khái của một nam nhân, chẳng những hắn không xấu đi một tí nào, hắn lại còn oai phong hơn, hấp dẫn hơn. Nếu là một gương mặt lành lặn thì có khác nào một gương mặt vương tử công tôn vô dụng? Nam nhân phải có khí hùng mới đẹp!
Ngân Hoa Nương mỉm cười :
- Hiền muội lấy con mắt tình nhân nhận định tình nhân! Có bao giờ người mình yêu lại xấu xí? Nếu xấu xí làm sao mình yêu nổi?
Vừa lúc đó, có tiếng chân người vang lên, tiếng chân của nhiều người. Không lâu lắm, trên con đường đỏ, một đoàn người xuất hiện, đoàn người đó xắp hàng đợi, phòng có đến hơn mười đôi.
Đôi đi đầu và đôi đi cuối đều có cầm lồng đèn.
Dẫn đầu đoàn là một người vừa lùn vừa mập, không đem theo bên mình một món vũ khí nào, nhưng bên hông có một vật gì lộ ra, chừng như là một chiếc bao, một túi nhỏ.
Hiển nhiên, bao hay túi đó chứa đựng ám khí, vô số ám khí, đủ loại ám khí.
Đường Lâm tươi ngay nét mặt thốt :
- Có hy vọng rồi thơ thơ! Người đổi phiên canh chính là Thất Sư Ca!
Ngân Hoa Nương hỏi :
- Người lùn mập đó chính là Thất Sư Ca của hiền muội?
Đường Lâm gật đầu :
- Phải! Thất Sư Ca có vẻ hiền lắm, song võ công thì sao siêu vô cùng, giang hồ tặng biết hiệu Thiên Thủ Di Dà, trong Đường gia trang, trừ đại ca và đại sư huynh, chẳng có ai hơn y nổi!
Ngân Hoa Nương mỉm cười :
- Ngu thơ thật tình chẳng nhận ra cái khác thường trong con người tầm thường đó! Trông y giống như gã quản lý của một tửu lầu!
Đường Lâm phì cười :
- Lúc bình thường, y chẳng có vẻ gì khác người, lúc hữu sự, y tỏ ra con người hữu dụng trên chỗ tưởng của mọi người! Khi y mới đến đây, xin nhập môn, ai ai cũng bật cười trước cái đáng quá khôi hài của y.
Có thiếu nữ nào, biết rõ là mình sắp gặp người tình mà từ lâu mình mong mỏi, lại không cởi mở rộng cõi lòng? Cũng như những đóa hoa còn hàm tiếu buổi chiều hôm, đã bè cánh, phó nhụy trước lúc bình minh về, chờ con bướm lượn quanh?
Đường Lâm trầm lặng mấy hôm nay, giờ lại hoạt bát lạ, vui lạ.
Trong khi cả hai cười nói trên con đường nhỏ, Thiên Thủ Di Đà dẫn đoàn dân canh từ từ tiến tới.
Đến sơn động, đoàn người dừng lại.
Thiên Thủ Di Đà lấy trong mình một chiếc bài đen, đưa cho đại hán canh cửa.
Đại hán đó nghiêng mình làm lễ, tiếp nhận chiếc bài, vào trong động.
Không lâu lắm, từ trong động, một đại hán khác bước ra. Đại hán này mặt đen, oai khí hùng mạnh, thân vóc to lớn lạ.
Người lùn mập có cái tên Đường Thủ Thanh bước tới, điểm một nụ cười :
- Tứ ca vất vả từ đầu hôm đến giờ!
Đường Thủ Thanh đảo mắt nhìn qua khắp nơi, đoạn trầm giọng hỏi :
- Chỉ có hai mươi chín người thôi à?
Đường Thủ Thanh mỉm cười :
- Chỉ vắng mặt gã Tiểu Hổ, vợ hắn sanh nở bất ngờ, tiểu đệ cho hắn nghỉ phiên canh đêm nay!
Đường Thủ Phương vẫn lạnh lùng như thường :
- Vợ sanh chẳng phải là một đại sự, trong Đường gia trang, ngày nào lại chẳng có việc sanh sản? Chính ta đây, lúc vợ ta sanh, ta có nghỉ lúc nào đâu?
Đường Thủ Thanh cúi đầu cười ngượng :
- Tiểu đệ biết mình sơ sót!
Đường Thủ Phương hừ một tiếng :
- Đã như vậy rồi, ta còn biết nói làm sao? Bất quá, ta phạt ngươi trong tháng sau phải lãnh thêm ba phiên, ngoài những phiên thường! Còn bây giờ, thiếu một người, thật khó...
Đường Thủ Phương cười nhẹ chận lời :
- Nơi đây, hơn mười năm rồi, nào có xảy ra việc gì đâu? Chẳng lẽ đêm nay thiếu đi một người lại có can hệ?
Đường Thủ Phương cao giọng :
- Thất đệ sai rồi! Đừng nói là mười ba, mười năm năm, cho dù một vạn năm đi nữa, biết rằng chẳng có gì xảy ra, chúng ta vẫn mãi mãi phải đề cao cảnh giác, không thể lơi lòng việc canh phòng, phải biết, cái may ngàn ngày chưa hẳn là may, mà cái rủi trong một giây có thể gây đổ vỡ toàn diện và muôn đời đấy! Đừng tưởng rằng nơi đây là cấm địa mà ngày ngày ngủ kỹ ăn no, tin chắc chẳng có người bén mảng đến!
Đường Thủ Thanh lại cúi đầu thấp hơn lần trước :
- Tứ sư ca dạy rất phải!
Đường Thủ Thanh lại đảo mắt nhìn quanh, đoạn chỉ một đại hán đang đứng canh trước cửa động, thốt :
- Ngươi có uống mấy chén rượu trong bữa ăn chiều qua, ta định trở về sẽ phạt ngươi, nhưng giờ đây, thiếu một người canh, nếu ngươi bằng lòng thay chỗ Tiểu Hổ, ta sẽ tha cho!
Đại hán cúi đầu :
- Bằng lòng!
Việc bàn giao phiên canh xong, Đường Thủ Phương day qua Đường Thủ Thanh, thốt :
- Mãn phiên rồi, ngày mai thất đệ đến nhà ta, tứ tẩu của thất đệ còn mấy con gà béo dành cho thất đệ đó!
Đường Thủ Thanh cười tươi :
- Tứ sư ca yên trí! Tiểu đệ sẽ có mặt! Phần rượu, tứ sư ca đừng lo, tiểu đệ sẽ mang đến!
Đường Thủ Phương dẫn toán mãn phiên canh đi được mấy bước, dừng chân lại, dặn :
- Rượu không nên mang nhiều, uống cho cố vào, ngày sau lại kêu cứu mạng!
Đường Thủ Thanh cười lớn :
- Biết rồi, tứ ca!
X Mười ba năm qua, chẳng có một biến cố nào xảy ra trong Đường gia trang, tự nhiên sơn động này cũng thái bình như toàn khu vực. Mười ba năm qua, ngày lại ngày, cuộc canh phòng vẫn nghiêm mật như ngày đầu.
Ngân Hoa Nương nhận thấy sự cảnh giác trong trang, hết sức kinh ngạc, nghĩ thầm :
- Thảo nào Đường gia trang chẳng thành một cấm địa!
Nàng khâm phục vô cùng. Và nàng cũng giật mình, cho là may mắn lơn lao nên nàng chưa vọng động, nếu vọng động, hẳn phải nguy với họ.
Đường Thủ Phương và toán canh đi khuất dạng rồi, Đường Lâm thở phào, nắm chéo áo Ngân Hoa Nương giật nhẹ, đoạn bảo :
- Vận đỏ của chúng ta đến rồi đó thơ thơ!
Nàng và Ngân Hoa Nương bước tới, không lâu lắm đã đến trước cửa sơn động.
Đại hán đứng canh trước cửa động lập tức quát hỏi :
- Ai?
Đường Lâm đáp :
- Ta! Ngươi không nhận ra ta hả?
Đại hán mỉm cười, nghiêng mình chào :
- Thế ra tứ cô nương!
Đường Lâm tiếp :
- Ta muốn gặp thất sư ca!
Vừa thốt, nàng vừa bước tới định vào sơn động, đại hán nhanh chân bước ra chặn trước mặt nàng, cười nhẹ :
- Nhị vị cô nương thứ tội cho tôi, nếu chẳng có lịnh của lão gia, tôi chẳng dám cho ai vào, dù cho tứ cô nương cũng thế!
Đường Lâm chận lại :
- Nếu vậy, ngươi vào trong gọi thất sư ca ra đây cho ta nói chuyện!
Đại hán do dự một lúc rồi nghiêng mình :
- Xin vâng!
Hắn khỏi bước đi nửa bước, Đường Thủ Thanh từ bên trong, vừa bước ra vừa cười :
- Tứ muội bỗng nhiên đưa khách quý đến đây, bảo tôi phải tiếp đãi cách nào cho trọn lễ?
Ngân Hoa Nương điểm nụ cười duyên, lại liếc xéo hết sức tình tứ rồi cúi đầu.
Đường Lâm mỉm cười :
- Sao thất sư ca biết là quý khách? Tứ ca có biết đây là ai chăng?
Đường Thủ Thanh đáp :
- Hai hôm trước tôi có nghe nói, Kim nghĩa cô đến đây cùng với người em gái, các vị cô nương lại hiệp nhau uống hết hai hũ Mai Quế Lộ của đại tẩu. Việc đó trong trang này thì còn ai chẳng biết, huống hồ tôi?
Đường Lâm gật đầu :
- Thảo nào mà đại tẩu chẳng khen ngợi thất sư ca có đôi tai thuận phong, đôi mắt thiên lý? Không có việc nào trong trang qua khỏi mắt của sư ca!
Đường Thủ Thanh lắc đầu nguầy nguậy :
- Đừng! Tứ muội! Khen tôi mà làm gì? Thổi phồng mãi thể nào cũng có ngày tôi cũng vỡ bụng ra mà chết!
Y nghiêm giọng một chút, tiếp :
- Tứ muội đến đây trong giờ này, có điều chi, cho tôi biết đi?
Đường Lâm mỉm cười :
- Tôi muốn hỏi, đưa khách quý đến đây, sư ca định tiếp đãi như thế nào?
Đường Thủ Thanh cười khổ :
- Trời! Tôi đã thở than rồi mà tứ muội! Một trạm canh có chi quý đâu để tiếp khách? Giá như tứ muội chấp nhận thì ngày mai, vào giờ ngọ, tôi chuẩn bị một tiệc rượu mọn chờ hai cô nương đến, được cái hân hạnh hầu tiếp vài giờ!
Đường Lâm hừ một tiếng :
- Chẳng ai thích uống rượu, sư ca mời làm chi?
Bỗng, nàng chụp tay áo Đường Thủ Thanh, cười nhẹ, tiếp :
- Qúy khách chỉ muốn xem cho biết sơn động này như thế nào thôi! Sư ca nên dành cho tôi một sự dễ dãi đi! Tôi nhớ có lần sư ca cho phép nhị thơ dẫn khách vào đây, dễ dãi với nhị thơ được thì hẳn sư ca không khước từ tôi chứ? Sư ca khước từ là tôi giận đó nha! Từ nay, có chi ngon lạ, tôi không biếu sư ca nữa đâu!
Đường Thủ Thanh thở dài :
- Thoạt trông thấy tứ muội, tôi hiểu ngay tứ muội đến đây để làm gì rồi! Dễ hiểu quá! Không đến sớm mà cũng không đến muộn, lại đợi đến lúc tôi đổi phiên canh cho tứ sư ca! Cái ý của tứ muội rõ như ban ngày!
Ngân Hoa Nương cười tươi, nàng liếc ngang Đường Thủ Thanh rồi day sang Đường Lâm :
- Ngu thơ biết mà, chẳng làm sao nói cho sư ca động lòng được đâu! Thôi mình về hiền muội, về gọi nhị thơ đến đây với mình!
Tuy nàng nói với Đường Lâm, song nàng muốn cho Đường Thủ Thanh nghe lọt.
Đường Lâm chưa nói gì, Đường Thủ Thanh cười khổ :
- Cô nương cho rằng tôi sợ nhị thơ? Dễ thường tôi lại chẳng sợ tứ muội sao?
Thực ra, tôi còn sợ tứ muội gấp mấy lần đấy!
Y đưa tay vái dài :
- Hai vị có vào, xin vào gấp nhìn gì thì nhìn gấp, rồi ra gấp nhé! Nhất là theo sát bên tôi, không được bước loạn mọi nơi, không được sờ mó vào vật gì!
X Từ xa nhìn qua, chẳng ai thấy sơn động có cửa, bất quá chỉ có một miệng động, bên ngoài miệng động thiên nhiên. Nhưng, đi sâu vào trong mới thấy ba vọng cửa bằng sắt. Sắt nếu là bảng thì dày vô tưởng, nếu là chột tròn thì to vô tưởng, dù thiên quân ngàn tướng, muốn phá vỡ cũng phải mất mấy hôm liền. Lối kiến thiết hết sức kiên cố.
Những vọng cửa đó, hàng chục, hàng trăm người, vị tất đã di động nổi? Song, Đường Thủ Thanh chỉ ấn nhẹ vào một nút cơ quan, cửa rút nhanh vào vách núi ngay, đặc biệt nhất là một vật thể khổng lồ di chuyển lại chẳng hề có một tiếng động nhỏ.
Bên trong, hình thể sơn động vô cùng hiểm tuấn, từng nơi, từng nơi, đá mọc lởm chởm, cao có, thấp có, chẳng hiểu được nơi nào có cơ quan mà nơi nào có độc mô nào không.
Đường đi vào rất rộng, cửa lớn, hai bên lại có chấn song tựa lan can, cửa và ba chấn song như ba quan ải, ngăn chặn mọi sự đột nhập từ bên ngoài, dù cho áp lực đột nhập có mạnh đến đâu, muốn qua lọt mấy vọng cửa đó, phải phí rất nhiều thời gian.
Qua khỏi ba vọng cửa rồi, vào đến bên trong sâu như vào một ngôi chùa cổ, vắng vẻ, lạnh lùng, ai mới vào đây lần đầu hẳn phải rợn người.
Ngân Hoa Nương thở dài :
- Thực ra, chẳng cần gì cò sự dặn dò, kẻ nào hiếu kỳ cao độ mà vào đây cũng chẳng cần bước loạn, sờ mó loạn! Một nơi đầy huyền bí, nguy hiểm hơn xa động quỷ hang ma!
Đường Lâm cũng lắc đầu cau mày :
- Nếu không bầu bạn với thơ thơ, một mình tôi, dù có đổi lấy hạnh phúc của người trần thế, tôi cũng chẳng vào đây!
Tuy nói như vậy, nàng vẫn đắc ý như thường. Đắc vì địa phương này thuộc sản nghiệp họ Đường, địa phương này là lá bùa hộ mạng của mọi người trong dòng họ, một hãnh diện của họ đối với giang hồ.
Không rõ nước chảy ở đâu, gần hay xa, tiếng nước chảy vang lên vo ve róc rách.
Tuy nhiên, đi quanh quẩn một lúc, Ngân Hoa Nương quen dần không khí rờn rợn, nàng bớt sợ hơn trước.
Họ đi mãi, đến một nơi, nơi đó là chỗ mở rộng của sơn động, hình tròn, nóc cao, cách mặt nền ước trên mười trượng.
Nơi khoảng rộng đó có một con suối, nước suối dục và vàng, hơi nóng bước lên thấy rõ.
Bên kia suối có một dãy nhà bằng đá, bên này suối có chín chiếc lò, nơi khoảng trôi nổi giữa hai lò, có một tấm bình phong bằng đá ngăn chặn.
Tại mỗi chiếc, có hai đại hán dùng búa nhỏ đập vào sắt, sắt không lớn phiến, búa không to, đại hán chẳng cần dùng sức mạnh nhiều, song chăm chú vào việc làm.
Phiến sắt được đập một lúc, hai đại hán bỏ vào một chiếc giỏ trên mặt suối, do một cơ quan điều động, giỏ thòng xuống nước, vừa sàng qua sàng lại, vừa trôi từ từ đến chiếc lò kế đó.
Cứ như thế, phiến sắt từ lò thứ nhất chuyển sang lò thứ chín, lần này thì được ngâm dưới nước lâu hơn, cuối lại được vớt lên chuyển đến dãy nhà đá.
Người làm việc trong dãy nhà đá toàn là những cụ già, râu tóc bạc trắng, mỗi người ở trong một lò, mỗi lò đều có màn che.
Những cụ già này còn làm việc chăm chỉ còn hơn những gã đại hán bên lò, chừng như họ chỉ biết làm việc thôi, những gì xảy ra xung quanh không mảy may làm cho họ xao lãng công việc.
Chính những người già trong các lô nhà đó chế tạo các loại ám khí lừng danh trên giang hồ. Từ nơi tay họ sản xuất ra những thứ giết người, duy trì danh dự Đường môn hơn ba trăm năm qua.
X Đường Lâm nhìn Ngân Hoa Nương cười nhẹ, hỏi :
- Thơ thơ xem mãn nhãn chưa?
Ngân Hoa Nương gật đầu :
- Xem thì nhiều, hiểu thì ít. Bất quá, ngu thơ nghĩ rằng, chế tạo được một loại ám khí phải trải qua biết bao nhiêu thời gian, biết bao nhiêu công lực, chính đó là điều ngu thơ không hiểu nổi!
Đường Lâm thản nhiên :
- Việc làm bắt từ khởi thi đến kết cuộc, thực sự thì phiền phức vô cùng, tuy vậy, có phiền phức thỉ mới có những đặc điểm mà trên giang hồ, ám khí Đường gia được xem là độc đáo, cũng nhờ những đặc điểm đó!
Nàng giải thích thêm :
- Chẳng hạn như một mũi Thiết Tật Lê, người trên giang hồ trước tiên chế tạo thành hình rồi tẩm độc đem ra dùng. Còn Đường gia chế tạo theo một phương pháp riêng biệt, thép được tẩm độc trước khi làm từng bộ phận, các bộ phận đó được ghép sau, cho nên Thiết Tật Lê của họ Đường có mười ba cánh, lúc không xử dụng thì cánh xếp lại, khi phóng ra chạm vào mình đối tượng rồi, mười ba cánh sẽ xòe ra, nếu cắm chuôi mà giật, tức phải sứt một mảng da thịt. Mười ba cánh đó dĩ nhiên có tẩm độc, mỗi cánh một loại độc, độc thấm vào máu, nạn nhân chết ngay, không phương cứu giải.